Với công nghệ cao, hiện nay nhiều đối tượng vẫn đang lợi dụng để lấy thông tin tài khoản và mua bán nó.
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an là 1 trong 2 đơn vị được tuyên dương trong chương trình “Vinh quang Việt Nam 2015”. Những năm qua Cục đã điều tra, khởi tố hàng trăm vụ án cả trong nước và xuyên quốc gia, là đơn vị mũi nhọn, chủ lực của lực lượng Công an trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong kỷ nguyên số.
Đối tượng Nguyễn Văn Đô (SN 1994, quê Quảng Ngãi, ngụ Vũng Tàu) bị bắt quả tang thực hiện hành vi lừa đảo khi đang giao dịch với khách hàng trên mạng. |
C50 ra đời cách đây 5 năm, khi internet và công nghệ số phát triển như vũ bão và kèm theo đó là tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, khó lường. Tham gia công tác phòng chống tội phạm mạng máy tính từ những ngày đầu thành lập, thượng úy Lê Anh Tuấn tâm sự: mỗi chuyên án là một trường hợp phạm tội với mức độ tinh vi khác nhau.
Kể về quá trình phá án của mình cùng với các đồng đội trong chuyên án về đường dây mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng, thượng úy Lê Anh Tuấn chia sẻ, qua nhiều nguồn thông tin, các trinh sát xác định, đây là một tổ chức tội phạm mạng sử dụng nhiều thiết bị hiện đại, từ đó bí mật tìm cách xây dựng cơ sở xâm nhập vào diễn đàn, xây dựng sơ đồ chi tiết về mô hình, quy trình hoạt động của diễn đàn.
Bằng trình độ chuyên môn của mình và phối hợp chặt chẽ với Bộ An ninh nội địa Mỹ, chuyên án được phá thành công, thu giữ được 1 triệu thông tin thẻ tín dụng bị trộm cắp, bắt giữ 8 đối tượng là người quản trị cao nhất.
Theo thượng úy Lê Anh Tuấn, qua quá trình điều tra đấu tranh với diễn đàn mua bán trái phép thông tin thẻ tín dụng,Cảnh sát đã trau dồi về cách thu thập, phân tích, phục hồi dữ liệu, chứng cứ liên quan trực tiếp đến các loại tội phạm công nghệ cao.
Với phương châm vừa đào tạo vừa chiến đấu, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã trưởng thành nhanh chóng. Đến nay, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều tra hơn 1.500 đầu mối vụ việc, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp khởi tố hàng trăm vụ án với hơn 1.100 bị can, trong đó, có nhiều chuyên án lớn, nhiều đường dây tội phạm nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia. Phần lớn là tội phạm làm thẻ tín dụng giả, chiếm đoạt tiền của người dân và ngân hàng; sử dụng mạng viễn thông để đe dọa, tống tiền; lừa đảo bán hàng đa cấp thông qua hình thức trung tâm thương mại điện tử...
Theo Đại tá Võ Văn Dũng, Trưởng phòng tham mưu, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ ca, đầu tranh với tội phạm công nghệ cao cần rất nhiều yếu tố như: sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, đào tạo cán bộ tinh nhuệ, sự giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân...
Tuy nhiên, quá trình đấu tranh với tội phạm công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn như các đối tượng phần lớn am hiểu công nghệ thông tin, dùng địa chỉ IP giả, thiết bị đặt ở nước ngoài. Đơn vị được trang bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên trước yêu cầu thực tế, các trang thiết bị dần phải được thay thế nếu không sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Đối với vệc trao đổi các nước, mặc dù có một số bản ghi nhớ, chương trình làm việc với các nước, nhưng còn nhiều thủ tục trao đổi, tính khẩn trương kịp thời để đạt hiệu quả là chưa cao.
Theo Đại tá Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao là một trong những loại tội phạm nguy hiểm hàng đầu, đe dọa đến an ninh quốc gia của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, từ khi thành lập, hệ thống quy phạm pháp luật về các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn chưa được hoàn thiện, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm như: Bộ luật Hình sự chỉ có 5 điều quy định về loại tội phạm này, còn Luật tố tụng Hình sự chưa quy định dữ liệu điện tử là loại chứng cứ...
Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, Phó Cục trưởng Trần Văn Doanh mong muốn lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ bổ sung lực lượng từ Trung ương đến địa phương để nắm bắt tình hình ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, với công tác đặc thù, C50 cũng cần được đầu tư trang thiết bị chuyên dùng như máy móc phục hồi, phân tích các trang tin điện tử.
Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao là lá cờ đầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, với bọn tội phạm đang ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên rèn luyện, chủ động, học hỏi, áp dụng thành thục nhiều kỹ thuật khoa học - công nghệ hiện đại mới có thể góp phần bảo vệ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét